Trước khi đi những chuyến phượt xa, tôi hay nhờ mẹ nắm cho vài nắm cơm.
Thứ nhất là để tiết kiệm tiền ăn ở khi xa nhà, thứ hai là có thể ăn ngay khi đói, sau đó cất để dành ăn tiếp, thứ ba là có thể tránh được tình trạng không hợp khẩu vị ở nơi khác, đặc biệt là cơm nắm mẹ làm rất ngon!
Cơm nắm có thể ăn chung với nhiều loại món ăn khác nhau, nhưng dân phượt thì hay kết hợp với những thứ sau đây (theo thứ tự từ cao cấp đến bình dân): Thịt kho tiêu -> chà bông (“ruốc” – theo cách gọi của người Bắc) -> muối mè (muối vừng).
Nhờ lợi thế để được lâu (nắm càng chặt tay thì càng để được lâu) mà cơm nắm có thể để dành dùng dần trong nhiều bữa (nhớ đừng để cơm bị hầm sẽ mau hỏng, khi cất nhớ chừa lỗ cho không khí vào).
Nhất là trong những chuyến trekking, khi mệt mỏi thì bảo đảm bạn không muốn ăn những món ăn khô như bánh mì, nhưng với cơm thì sẽ tạo cảm giác thật ngon, thật sảng khoái.
Ngoài ra, cơm nắm còn có thể dùng để nấu thành cháo khi cần (gọi là cháo cơm nắm) – khi muốn nấu cháo thì dùng muỗng đánh tơi cơm ra cho mau nhão – cách này chắc chỉ có dân phượt làm thôi.
Cách làm cơm nắm cũng không quá phức tạp:
- Cơm nấu như bình thường (lượng gạo cứ canh theo bữa cơm bình thường của bạn – đó là cho 1 bữa ăn).
- Khi cơm vừa chín tới (còn nóng), xới ra cho vào giữa miếng vải vuông, lượng cơm khoảng 2-3 hoặc 4 chén tùy bạn thích nắm cơm to hay nhỏ, lưu ý là nắm cơm to quá sẽ khó nhồi.
- Bạn túm 4 đầu khăn lại cho kín rồi 1 tay giữ túm khăn, tay kia nhồi thật đều và mạnh tay giống y như nhồi bột làm bánh. Động tác nhồi này làm cho hạt cơm kết dính với nhau thành một khối, vì vậy nếu bạn nhồi không kỹ nắm cơm sẽ không chắc và bị vỡ. Sau khi nhồi thật đều khoảng 5-10 phút, bạn dùng tay nén nắm cơm chặt lại thành hình dáng tùy thích (hình vuông hoặc hình trụ dài – hoặc kiểu như mẹ mình là dùng 1 cái tô lớn để cơm vào rồi ép ép sẽ ra được hình tròn dễ thương) rồi dỡ khăn ra, để cho nguội, nhớ đậy khăn vải bên trên để cơm khỏi bị khô (cơm nắm phải để nguội mới ăn vì khi đó hạt cơm mới dính chắc và khi ăn có vị ngọt rất đậm của tinh bột).
- Khi dùng cơm, bạn nên dùng 1 sợi dây để cắt cơm (giống như cắt bánh chưng), vừa đẹp vừa không làm cơm bị vỡ.
Các bạn nhớ để cơm nắm nguội hẳn rồi mới cho vào hộp hay túi nylon nhé.
Sau đó, các bạn sẽ được thưởng thức một bữa cơm nắm ngon lành sau hành trình khám phá những cung đường thú vị.
Theo Dulichbui