Chuyên đề 1: Các phương pháp đánh cảm



Trong những tháng ngày đi xuyên việt, có một bạn bị cảm cả tuần trời mà mình không biết đánh cảm, thuốc không có tác dụng. Hậu quả là bạn đó đã ốm cả tuần liên tiếp.

Từ hôm đó mình quyết tâm học và tìm hiểu về đánh cảm. Hôm nay mình viết ra chuyên đề này mong muốn giúp các bạn có thêm kỹ năng về Y Tế. 

Các bạn ủng hộ mình nhé....!

TÓM TẮT CHUYÊN ĐỀ

I. Nguyên nhân 
II. Một số triệu chứng thông thường dễ nhận ra 
III. Giải thích hiện tượng trúng gió 

A - ĐÁNH CẢM BẰNG TRỨNG GÀ VÀ ĐỒNG BẠC
     1. Dụng cụ cạo gió?
     2. Kỹ thuật cạo gió

B - ĐÁNH CẢM BẰNG CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC
      1. Đánh cảm bằng gừng 
      2. Xông với nước lá
      3. Đánh cảm bằng cám rang 
      4. Dùng lá trầu không hay lá đu đủ

IV. Nhận biết bệnh
V. Không đánh gió, cạo gió với các trường hợp sau
VI. Cách đánh đồng bạc trắng trở lại

NỘI DUNG CHI TIẾT

I. Nguyên nhân 
- Trời mưa, trời gió hay trời lạnh mà mặc không đủ ấm, đầu không đội mũ, chân không đi giầy, không mang tất ấm, cổ không quấn khăn v.v… vì thế các cơ phận thuộc bộ máy hô hấp (mũi, miệng, cổ họng, phổi… ) và tuần hoàn (tim, dạ dầy, ruột, gan, thận, lá lách…) bị lạnh. Khí âm xâm nhập nhiều qúa làm mất thế quân bình trong cơ thể, gây bế tắc kinh mạch, và suy yếu các cơ phận.
- Thay đổi nhiệt độ: Sáng – Tối

II. Một số triệu chứng thông thường dễ nhận ra 
  1. Sổ mũi, tịt mũi.
  2. Nhức đầu, nặng đầu.
  3. Ho.
  4. Cảm thấy người vừa nóng vừa lạnh: hơi sốt hay sốt nặng .
  5. Bần thần, mỏi mệt trong người.
III. Giải thích hiện tượng trúng gió

1. Tác dụng của Bạc trong đánh cảm.
Cảm là trạng thái con người nhiễm các khí độc qua “da”, các khí đó hầu hết là hợp chất của lưu huỳnh. Gió độc thấm vào cơ thể qua da tại các “lỗ chân lông”. Khi bị cảm thì các chất độc trong cơ thể, trong đó có H2S, sẽ không được thải ra ngoài. Chúng xâm nhập vào hệ thống thần kinh, đặc biệt là dọc theo xương sống, gây ra choáng váng đầu óc. Khi đánh bằng Ag có 2 tác dụng:

- Ag tác dụng với các khí của S tạo thành hợp chất Ag2S có màu đen: Ag + H2S -> Ag2S. Ag là kim loại phản ứng dễ dàng với S. Khi lượng khí độc được loại bỏ (bằng cách dùng Ag) thì cơ thể phục hồi trở lại.

- Ag có tác dụng diệt khuẩn. Từ thời thượng cổ người ta đã biết dùng các đồ bằng Ag như bát để đựng thức ăn, cốc bạc để khử trùng nước uống, đũa bạc để phát hiện chất độc khi ăn.

- Dùng lòng trắng trứng có tác dụng: khi đánh cảm, các lỗ chân lông giãn ra (do cọ sát). Khi đó cơ thể dễ bị khí độc xâm nhập hơn. Do đó dùng lòng trắng trứng để bịt các lỗ chân lông lại, ngăn không cho khí tiếp tục vào cơ thể.

2. Cạo gió trong y học cổ truyền chính thống

Thông thường, vị trí chính để cạo gió là hai bên đường dọc cột sống. Đó là hai bên của đường bàng quang kinh, trên đoạn dọc cột sống thắt lưng là vị trí của các huyệt: Phế du, Tâm du, Cách du, Tỳ du, Vị du, Thận du Đại trường du, Khí hải du Tiểu trường du, Phách hộ, Cao hoang, Thần đường, Cách quan... Khi tác động lên hai dãy cơ đó, chính là kích thích lên hàng loạt các hoạt động của hệ thống lục phủ ngũ tạng của cơ thể, giúp cơ thể điều hòa lại sự mất quân bình khí huyết âm dương trong cơ thể, nâng cao chính khí, trục đuổi tà khí đang manh nha xâm nhập vào cơ thể.

Theo y học cổ truyền, bàng quang kinh chủ trị các chứng sốt lạnh, nghẹt mũi, đau đầu, cứng cổ, đau thắt lưng, và các huyệt tương ứng với từng tạng phủ, có tác dụng lý khí điều huyết. Do đó khi cạo gió dọc theo hệ thống kinh bàng quang, cũng là tác động một phần lên toàn hệ thống cơ thể, có tác dụng bổ chính khí, khu trục tà khí, nhằm tăng cường các hoạt động chức năng của cơ thể.

A - Phương Pháp Cạo Gió Bằng Đồng Bạc và Trứng Gà

1. Dụng cụ cạo gió?
- Bạn luộc chín 1 quả trứng gà sau đó bóc bỏ vỏ, rồi tách đôi lòng trắng, bỏ lòng đỏ ra để ăn sau khi đã đánh gió. 
- Lấy 1 khăn mùi xoa ( Khăn mỏng) đặt 1 nửa lòng trắng trứng lên ( Nếu có thì cho thêm 1 ít tóc rối, 1 ít gừng tươi đã bóc vỏ và đập dập nát ) sau đó đặt đồng bạc lên trên ( Có thể dùng các đồ trang sức bằng bạc như dây bạc, vòng bạc ...thay cho đồng bạc cũng được) rồi úp nửa lòng trắng còn lại lên trên cùng rồi túm lại ở phía trên để cầm bằng tay, nhúng chìm tất cả trong nước vừa luộc trứng cho nóng đều lên.
- Sau đó lấy ra, vắt chặt đuôi khăn cho hết nước và bắt đầu miết lần lượt từ trên đầu xuôi xuống gáy, lưng, bụng và tứ chi. Khi thấy giảm nóng thì lại ngâm tiếp như trên. 

2. Kỹ thuật cạo gió:
- Đầu trước nhất: Trán, 2 thái dương, mặt,
- Lật sấp người đánh xuống lưng: Đánh hai bên sườn cổ đến hết vai; đánh 2 bên sống lưng và lan rộng ra toàn lưng theo chiều dọc kéo dài và chiều ngang từ trong ra ngoài.
- Lật ngửa: Đánh bụng, kéo dài từ ức xuống qua rốn.
- Đánh hai tay: Cả hai phía trong và ngoài tay.
- Đánh hai chân: Từ đùi xuống chân, cuối cùng là hai bàn chân.
- Mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3 đến 5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím. Nhiều nhất cũng không nên cạo quá 10 phút, cũng không nên dùng lực cưỡng bức để tạo vết. Cạo xong chỗ này mới cạo sang chỗ khác, lần cạo sau cách lần cạo trước từ 3 đến 6 ngày để vết cạo lần trước kịp tan đi. 
- Phương hướng: Theo hướng một chiều từ trên xuống dưới. Từ trong ra ngoài. 
- Cạo xong người bệnh nên uống một cốc nước nóng (có pha thêm chút muối thì càng tốt). 
- Khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh.
- Sau khi nổi vết cạo trong khoảng 30 phút cấm tắm rửa bằng nước lạnh. 
- Sau khi cạo gió xong nên giữ ấm cơ thể, tốt nhất ăn thêm một bát cháo giải cảm. Cháo nấu nhuyễn, cho thêm lá tía tô, hành răm, gừng (nếu cần cho thêm 1 lòng đỏ trứng gà càng tốt). Khi ăn, nên cúi đầu xuống để mũi hít hơi nóng và mùi tinh dầu của tía tô, hành, gừng. Ăn xong trùm chăn kín từ 10 - 15 phút cho cơ thể thoát mồ hôi là được. Cháo này còn chống xung huyết vùng mũi.

B - CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢI CẢM KHÁC

1. Đánh cảm bằng gừng 
- Nên chọn củ gừng to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt rồi thoa lên vùng cần đánh gió.
- Lấy bã và một ít tóc rối bọc vào một chiếc khăn hay vải mỏng rồi nhúng vào rượu mạnh chà xát cho đến khi người nóng lên.
- Khi đánh gió nhớ vuốt từ đỉnh đầu xuống cả người phía trước: mặt mũi, ngực, bả vai, cánh tay bên trong bên ngoài, lòng và mu bàn tay, rồi các ngón tay, bụng, bắp vế xuống cho tới lòng và mu bàn chân và các ngón chân, phía sau: đầu, ót, gáy, lưng, mông xuống cho tới lòng bàn chân và các ngón chân.
- Đánh xuôi từ trên xuống và tránh các hạch bạch huyết ở mang tai, nách, háng, bên trong khuỷu tay, khoeo chân sẽ nhanh chóng được giải cảm. Mục đích của đánh gió là đưa khí nóng vào cơ thể ngay trên kinh thái dương bằng cách thấm qua da.
- Sau đó, dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Cách làm này giúp vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên, mang lại cảm giác dễ chịu.

P/s: Không có rượu thì làm bình thường.

2. Xông với nước lá
- Gồm 3 loại lá: 
+ Lá có tinh dầu giúp sát trùng đường hô hấp như chanh, bưởi, sả, bạc hà, tía tô;
+ Lá có tác dụng kháng sinh như hành, tỏi;
+ Lá có tác dụng hạ sốt như tre, duối, cúc tần. 

Tùy theo dược liệu ở từng địa phương, có thể thay đổi các vị thuốc cho phù hợp.
- Dùng nồi to, đun nước sôi, bỏ các vị thuốc vào, lấy lá chuối bịt kín rồi đậy nắp vung lại, đun sôi 5 phút thì bắc ra. Bệnh nhân ngồi trên giường hoặc rải chiếu dưới đất, đặt nồi nước xông bên cạnh, dùng chăn mỏng trùm kín người, chỉ mặc đồ lót cho mồ hôi thoát ra. Khi xông thì chọc thủng vài lỗ lá chuối để cho hơi thoát ra.

- Nếu không có lá chuối thì mở nắp vung từ từ, mồ hôi ra đến đâu, lấy khăn khô lau sạch. Thời gian xông từ 5 đến 10 phút, khi bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và ra mồ hôi thì thôi. Xông xong lau khô mồ hôi, thay quần áo rồi ăn bát cháo nóng có hành, tía tô.

- Cách này dùng trong trường hợp cảm lạnh không ra mồ hôi. Không được áp dụng cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người già bị suy kiệt, bệnh nhân thiếu máu, tiêu chảy mất nước, rong kinh, rong huyết.

KINH NGHIỆM:

- Nếu bị cảm cúm (sốt, ho, nhức đầu, đau mình mẩy, không mồ hôi) thì dùng lá cúc tần, lá tre, lá sả, lá chanh (bưởi) nấu nước xông. 
- Nếu bị cúm mùa đông thì thêm gừng, tía tô, kinh giới, lá quế. 
- Bị cảm trong mùa hè thì tăng liều lượng lá tre nhiều hơn, thêm lá sen, hương nhu, hoắc hương, lá hoặc hoa đậu ván. 
- Nếu chữa ho gió dùng 100gr rau diếp cá tươi, nấu nước xông toàn thân, ngày xông 2 lần, mỗi lần 20 phút.

3. Đánh cảm bằng cám rang - Lấy cám bỏ vào chảo rang nóng lên
- Bỏ vào miếng vải túm lại
- Rồi vuốt từ trên đỉnh đầu vuống xuống
- Vuốt khắp nơi trong người: đầu tóc, mặt, ngực, bụng, cơ quan sinh dục, lưng, mông, đàng trước đàng sau tay chân, lòng bàn tay bàn chân và ngón tay ngón chân…

Cảm nặng thì phải rang 2, 3 mẻ và vuốt vài lần sẽ đỡ ngay, vì mọi kinh mạch đều được đả thông và khí huyết di chuyển bình thường trở lại.

4. Dùng lá trầu không hay lá đu đủ 
- Chuẩn bị lá đu đủ: Rửa sạch, để dáo nước
- Dùng rượu tỏi là tốt nhất.
- Dùng lá đu đủ vò nát nhúng vào rượu rồi trà sát vào cơ thể như trên

IV. Nhận biết bệnh

- Đánh 1 lúc mở ra lấy đồng bạc xem: 
+ Nếu bị cảm nắng, thì đồng bạc mầu đồng (ánh vàng đỏ).
+ Nếu bị cảm lạnh, thì đồng bạc mầu đen, càng cảm lạnh nặng càng đen.
+ Nếu bị cảm gió nữa thì đồng bạc mầu đen nhánh có sắc xanh. 
+ Nếu vừa cảm nắng vừa cảm lạnh, thì đồng bạc có cả hai mầu. 
+ Bạn khỏe thì đồng bạc hầu như không đổi màu. 

V. Không đánh gió, cạo gió với các trường hợp sau

- Nên cạo gió trong phòng, tránh gió lùa.
- Không nên sử dụng dầu xoa mà thành phần của nó có tinh dầu bạc hà (menthol), vì đây là tinh dầu có tính chất bốc hơi nhanh nên gây cảm giác mát lạnh. Khi xoa dầu, ban đầu cảm thấy ấm nóng nhưng một lúc sau thì cảm thấy mát và lạnh vùng được xoa dầu.
- Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu. Tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo, khi tà đầu thì cắt ngang bỏ, tạo đầu mới, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu gừng có tính ấm, nóng.
- Không dùng lực tác động mạnh lên vùng cạo gió gây tổn thương da, dễ bị nhiễm khuẩn.
- Chủ yếu cạo hai bên đường dọc cột sống lưng. Không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm.
- Không nên cạo vùng cơ cổ.
- Cấm cạo chỗ có vết lở loét, phần bụng người có thai, mà da có độ mẫn cảm quá cao, người có bệnh khó đông máu, có các bệnh về da.
- Người bị sốt không rõ nguyên nhân (có thể là sốt rét, sốt xuất huyết...).
- Người bị chóng mặt, đau đầu (triệu chứng có thể gặp trong tăng huyết áp, huyết áp thấp, rối loạn tiền đình, u não, thiên đầu thống...).
- Người đang mắc bệnh tim mạch hay có tiền sử bệnh tim mạch.
- Người bị đau vai gáy (khi chưa có chẩn đoán xác định bệnh lý).
- Người có vết loét ngoài da hay mắc bệnh ngoài da.
- Người mắc bệnh Hemophylie (bệnh máu không đông).
- Trẻ em (da của trẻ còn non và gây khó phát hiện khi trẻ bị sốt xuất huyết).
- Cần cạo đến khi da đỏ ửng, người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được. Không được cạo làm xước da hoặc xuất huyết dưới da gây đau đớn cho bệnh nhân, rát bỏng nhiều ngày sau.

Thông thường thì người ta cảm thấy nhẹ nhõm, các triệu chứng mệt mỏi giảm sau khi cạo gió.

Nhiều người thường có khuynh hướng cạo cho đến khi da đỏ bầm, đây là cách làm chưa đúng, cần phải tránh. 

VI. Cách đánh đồng bạc trắng trở lại
- Dùng tro bếp.
- Ngâm dấm 15 phút.
- Đánh đồng bạc với nước cốt tranh sáng rực ngay.
- Bọc cát vào miếng vải rồi lau..
- Đánh đồng bạc bằng muối nó sẽ sáng trở lại.
- Dùng kem đánh răng bôi lên đồng bạc, rồi dùng bàn chải trà đi trà lại sẽ rất nhanh sáng./.

BIÊN SOẠN: NGUYỄN XUÂN HƯNG


Friends list