Người xưa vẫn nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, ngày Tết, người Việt có rất nhiều quy tắc đem áp dụng, những mong ngày đầu năm suôn sẻ, tốt đẹp, cả năm sẽ may mắn, chảy trôi.
Theo quan niệm của người Việt từ xưa đến nay, ngày đầu năm có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm sẽ có nhiều điều may mắn, vì vậy, người Việt có khá nhiều quy tắc được đem áp dụng vào ngày Tết, trong đó có khá nhiều điều kiêng kỵ:Không quét nhà ngày mùng Một Tết: Trước Tết, nhà nào cũng đã lau dọn cửa nhà sạch sẽ, phong quang đón Tết. Vì vậy, trong ngày đầu năm, bạn không cần phải quét dọn thêm nữa. Vào ngày này, người Việt tuyệt đối không động đến cây chổi. Theo quan niệm truyền thống, quét dọn nhà cửa trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà.
Không đổ rác ngày mùng Một Tết: Tục kiêng đổ rác có nguồn gốc từ một truyện dân gian bên Trung Quốc. Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó.
Không cho lửa đầu năm: Ngày đầu năm, khi đi ra ngoài hoặc đi lễ chùa, bạn chớ nên quên mang theo diêm hay bật lửa bởi lúc này, cần dùng lửa mà không có, bạn đi xin cũng không ai cho vì lửa đỏ tượng trưng cho may mắn, cho lửa đầu năm chẳng khác nào đem may mắn của mình đi cho người khác.
Không cho nước đầu năm: Nước, lửa là hai nguyên tố trong ngũ hành, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt thường ngày và lao động sản xuất của con người. Cũng như lửa, nước được coi như một trong những nguồn phát sinh tài lộc, chẳng thế mà dân gian có câu “tiền vào như nước”.
'
Đầu năm cho nước cũng coi như mất lộc. Xưa kia, khi nước còn phải gánh từ ao, hồ hoặc hứng trong chum, vại, thường ngày cuối năm, nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào các vật chứa. Từ trong tâm thức người Việt, hình ảnh nước đầy ăm ắp giống như một điềm may, hứa hẹn năm mới sẽ dễ làm ăn, sinh sống, cửa nhà mát mẻ.
Không đi chúc Tết sáng mùng Một: Nếu không được gia chủ mời, người Việt rất ngại đến nhà người khác và trở thành khách xông nhà “bất đắc dĩ” vào sáng mùng Một. Vai trò của người xông nhà trong ngày đầu năm rất quan trọng.
Nếu năm tới, gia chủ được vạn sự tốt lành thì không sao nhưng nếu họ có việc gì không tốt đẹp, lại dễ đổ lỗi vì người xông nhà đầu năm “nặng vía”.
Chính vì sợ điều này xảy ra nên vào ngày mùng Một Tết, người Việt thường chỉ ở nhà thắp hương cúng lễ, sau đó, đi chúc Tết cha mẹ, nếu gia đình đã tách ra ở riêng. Thường người Việt chỉ đến chúc Tết anh em, họ hàng thân thiết, gần gũi trong ngày mùng Một Tết.
Không làm đổ vỡ đồ dùng: Người Việt rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm chén trong ngày đầu năm vì đổ vỡ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, là tín hiệu không thuận lợi của các mối quan hệ. Tuy vậy, đôi khi, việc làm vỡ bát đĩa vẫn xảy ra trong ngày Tết.
Khi đó, người ta lại có cách trấn an để người thân được yên lòng, khỏi lấn bấn ngày đầu năm. Tiếng bát đĩa rơi vỡ có phần giống với tiếng “phát”. Bát đĩa rơi vì thế được người ta “lạc quan hóa” thành tín hiệu báo gia chủ sắp phát tài tới nơi.
Không bất hòa ngày đầu năm: Đầu năm, dù có bất đồng, khó chịu với nhau tới mức nào, vì bất cứ chuyện gì, người ta vẫn cần phải giữ hòa khí, tránh cãi vã, xích mích đầu năm. Đó thực tế là một cách để tránh không khí không vui xảy tới với gia đình trong ngày Tết.
Trong ngày này, để tránh không khí căng thẳng trong nhà, ngay cả trẻ con nghịch ngợm, phạm lỗi cũng sẽ dễ dàng được bỏ qua hơn để cha mẹ không phải cáu giận, quát mắng mà trẻ cũng không khóc lóc, nhăn nhó.
Không mặc quần áo màu trắng hay đen: Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu tang tóc, vì vậy, ngày đầu năm không bao giờ được mặc trang phục quá nhiều sắc trắng hay sắc đen. Ngày Tết, người ta ưa chuộng những màu sắc sặc sỡ, tạo nên sự phấn khởi, vui vẻ, đặc biệt được ưa chuộng là hai sắc đỏ, vàng.
Không vay mượn đầu năm: Ngày đầu năm, người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, kể cả cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền bạc hay đồ vật. Đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán, đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ, trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.
Xưa kia, các cụ ta có lệ, từ ngày 23 tháng Chạp dựng cây nêu đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng hạ cây nêu, những món nợ nần không được phép hỏi đến để trong ngày Tết, ai ai cũng được yên vui hưởng Tết, làng xóm không có chuyện to tiếng, cãi vã lúc năm hết Tết đến.
Không xuất hành ngày mùng 5 Tết: Ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.
Kỵ tang tóc ngày mùng Một Tết: Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc. Xưa có lệ gia đình gặp chuyện tang tóc được phép cất khăn tang trong ba ngày Tết, có lẽ để tránh cho hàng xóm láng giềng ra vào khỏi phải nhìn thấy cảnh buồn thương ngay ngày đầu năm.
Nhà “có bụi” (có tang) kiêng đi chúc Tết, ngược lại, họ hàng, làng xóm thường chủ động đến chúc Tết gia đình “có bụi”. Trường hợp gia đình có người qua đời vào ngày 30 tháng Chạp mà có thể lo liệu kịp thì thường tiến hành việc hiếu ngay trong ngày đó, kiêng để sang ngày mùng Một năm sau. Trường hợp có người thân qua đời đúng ngày mùng Một Tết thì cũng chưa phát tang ngay mà để đến sáng mùng Hai mới làm lễ phát tang.
Không nói điều xui: Đầu năm chỉ nói những điều tốt đẹp, vui vẻ, may mắn, không khóc lóc, buồn tủi, không nói lại chuyện đen đủi, rủi ro năm cũ.
Không treo tranh xui: Khi xưa, mỗi dịp Tết đến, ông bà ta thường mua một bức tranh mới về treo để chơi Tết. Những tranh được treo trong ngày Tết thường là tranh mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn như tranh đàn lợn, đàn gà, tranh cậu bé… tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Người ta kiêng không treo những tranh “xui” như tranh đánh ghen hay đi kiện.
Không ăn món xui: Đầu năm, người Việt không bao giờ ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt… bởi quan niệm đây là những món không tốt lành, thường chỉ ăn vào cuối năm, cuối tháng, để giải đen.
Kiêng mua đồ xui: Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng Một với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.
Câu nói “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” có rất nhiều cách hiểu. Muối đã nói ở trên, về vôi, khi xưa, vôi thường được sử dụng để xây nhà cửa, ăn trầu và rải bốn góc tường nhà ngày cuối năm để xua đuổi tà ma. Cũng có một cách giải thích khác là cuối năm mua vôi về để tiếp cho ông bình vôi.
Nguồn: Dantri